Gọi tên 8 yếu tố quan trọng xây dựng một landing page chất lượng

Một landing page chất lượng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho website bán hàng của bạn. Tuy nhiên để tạo nên một landing page có tỷ lệ chuyển đổi cao là điều không hề đơn giản. Hãy cùng tìm hiểu những bí quyết để tạo landing page chất lượng có thể thu hút và chuyển đổi khách hàng cho website bán hàng của bạn thông qua những gợi ý sau đây nhé.

1. Phần mở đầu

Mở đầu là phần không thể thiếu trong phần đầu tiên của một Landing page, với phần nội dung được giới hạn và chỉ vừa đủ để tạo sự tò mò cho người đọc. Nếu đưa quá nhiều thông tin trong phần mở đầu, chắc chắn khách hàng sẽ không kéo chuột xuống dưới để đọc tiếp và bạn sẽ không thể chuyển đổi người đọc thành khách hàng được rồi.

Trong khi mở đầu, bạn chỉ cần 2 phần: logo và kêu gọi hành động. Logo sẽ được đặt tại phía trên bên trái của tiêu đề, và phần kêu gọi hành động có thể đặt tại chính giữa hoặc phía trên bên phải. Dù đặt tại vị trí nào, kêu gọi hành động cũng cần được thiết kế nổi bật với font chữ đủ to để thu hút người đọc. Với các doanh nghiệp địa phương, bạn có thể đưa vào số điện thoại trong phần này thay cho các câu kêu gọi hành động khác.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chỉ đặt mỗi số điện thoại cho phần kêu gọi hành động, hãy thêm một câu kêu gọi ở phía trên như lý do mà người dùng cần nhấc máy và liên hệ với bạn. Đó có thể những câu kêu gọi như “Gọi điện ngay để tham gia khuyến mãi”.

 

2. Video/ Hình ảnh

Ngay dưới phần mở đầu, tại phần bên trái của trang, bạn có thể bố trí một video hoặc hình ảnh. Mặc dù vậy, bạn hoàn toàn có thể đặt hình ảnh, video vào phần tiêu đề để tạo sự khác biệt.

Chiến lược áp dụng cho bức hình hoặc video sẽ thống nhất với toàn bộ phần nội dung còn lại khi tạo landing page. Và cách tốt nhất chính là sử dụng hình ảnh đơn giản nhưng thật chuyên nghiệp, sẽ giúp tăng khả năng chuyển đổi và lợi ích cho bạn. Đây sẽ là hình ảnh liên quan đến công việc kinh doanh của bạn hoặc bức hình chụp nhân viên đang rất hào hứng làm việc, khách hàng đang hài lòng với dịch vụ nhận được. Trong khi đó, với video có thời lượng từ 1 đến vài phút sẽ tăng sức hấp dẫn cho landing page, nhưng bạn đừng đăng các video quá dài nhé nếu không muốn gây xao nhãng khách hàng.

 

3. Tiêu đề và tiêu đề con

Sau khi khách hàng bị thu hút bởi phần mở và hình ảnh trong landing page, họ sẽ kéo xuống phần tiếp theo – Tiêu đề. Đây có thể coi là phần quan trọng nhất khi tạo landing page vì quyết định sự chú ý của khách hàng đến toàn bộ phần còn lại của trang hay sẽ quay lại trang chủ.

Không có thủ thuật hay cây đũa thần nào có thể giúp bạn viết ra những câu tiêu đề sáng tạo và không đụng hàng. Để tạo nên một câu tiêu đề hay đòi hỏi bạn cần tìm hiểu và suy nghĩ sâu về nó, lục tìm thông tin và phản hồi của khách hàng để ra được ý tưởng. Tuy nhiên, câu tiêu đề hay nhất lại chính là câu đơn giản và đi thẳng vào vấn đề mà khách hàng quan tâm.

4. Nội dung hay là cách giữ chân khách hàng tối ưu nhất

Nếu khách hàng đã dừng bước tại phần tiêu đề và muốn biết nhiều hơn trong những thông tin tiếp theo của landing page, bạn đã thành công được một nửa rồi. Hãy tiếp tục phát huy điều đó và thuyết phục khách hàng click vào nút kêu gọi hành động ở cuối trang thông qua những nội dung mà bạn sắp cung cấp sau đây nhé.

Mặc dù vậy,  khách hàng thường không đọc kỹ toàn bộ những gì bạn viết ra, thay vào đó họ chỉ đọc lướt qua chúng mà thôi. Cách tốt nhất để bạn triển khai đủ ý mà không dài dòng chính là sử dụng các đoạn văn cũng như vận dụng khéo léo các dấu gạch đầu dòng. Đây sẽ trợ thủ đắc lực khi bạn muốn liệt kê các tính năng nổi bật, lợi ích mà khách hàng nhận được khi sử dụng sản phẩm dưới dạng các câu ngắn gọn và súc tích.

5. Mẫu liên hệ

Không phải tất cả những khách hàng tìm hiểu landing page của bạn đều sẵn sàng nhấc máy điện thoại để liên hệ. Với những người chưa có ý định gọi điện, khi tạo landing page còn cần có mẫu liên hệ  – nơi họ sẽ điền thông tin liên hệ và đợi bạn liên lạc lại với họ.

Và đừng quên một câu kêu gọi hành động thật rõ ràng để thúc đẩy khách hàng điền thông tin vào phần mẫu liên hệ này nhé. Đó sẽ là lý do vì sao họ cần điền thông tin cũng như những lợi ích mà họ sẽ nhận được khi hoàn tất việc điền thông tin này. Trong mẫu liên hệ, bạn chỉ nên hỏi những thông tin thực sự cần thiết như tên, địa chỉ email, số điện thoại và một phần điền thông tin liên quan đến nhu cầu khách hàng. Bạn có thể thay nút “Submit” khi khách hàng gửi thông tin đi bằng một câu kêu gọi hành động khác hấp dẫn hơn như “Tư vấn miễn phí” hay “ Nhận thông tin miễn phí” để tạo sự hào hứng cho người dùng nhé.

6. Thông tin kiểm chứng

Muốn thuyết phục khách hàng tin tưởng sản phẩm của bạn hay gọi điện ngay để mua hàng, bên cạnh những lợi ích mà bạn đưa ra trong phần nội dung thì những thông tin chứng thực từ những người mua hàng trước đó cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ngay bên dưới phần điền thông tin liên hệ là địa điểm vàng để bạn đăng tải những thông tin đánh giá về công việc kinh doanh, sản phẩm từ các khách hàng cũ.

 

Làm thế nào để bạn có được những thông tin này? Cách đơn giản nhất chính là liên hệ đến các khách hàng đã hài lòng về sản phẩm, dịch vụ và đăng tải ý kiến của họ lên landing page này nhé. Ngoài ra, bạn có thể tổng hợp nhiều đánh giá và dựng thành clip, video để tăng sức lan tỏa thông tin. Mỗi ý kiến đánh giá nên có thêm hình ảnh của khách hàng sẽ có sức nặng hơn so với những lời đánh giá suông.

7. Kêu gọi hành động

Tại phần cuối của landing page, trước khi đến phần chân trang thông tin liên hệ, là nơi bạn có thể đặt nút kêu gọi hành động. Thực chất toàn bộ những gì bạn thực hiện trên kia đều để phục vụ cho việc khách hàng sẽ click vào nút kêu gọi hành động để dùng thử sản phẩm, mua sản phẩm hay gọi điện cho bạn ngay lập tức

8. Đặt link tại chân trang landing page

Cuối mỗi landing page là nơi khách hàng có thể tìm hiểu thêm về công việc kinh doanh của bạn như chính sách bảo hành, hoàn trả, thông tin liên hệ… Việc tạo landing page chất lượng không chỉ thuyết phục khách hàng mua hàng hay dịch vụ mà còn “thông báo” đến Google về công việc kinh doanh của bạn. Vậy nên, bạn đừng bỏ qua việc thiết kế chân trang này nhé, có thể tất cả các landing page đều sử dụng chung một chân trang. Ngay khi bạn có dự định thiết kế website bán hàng, bạn hãy lên kế hoạch tạo landing page để có sự thông suốt và liền mạch nội dung nhé.