Nghệ thuật “biến hóa khách hàng” thành những nhân viên Marketing xuất sắc

Quảng bá thương hiệu luôn là công việc đòi hỏi tính chiến lược và lâu dài. Chúng ta vẫn biết khách hàng luôn là đối tượng cần được phục vụ, thế nhưng những vị “thượng đế” này còn có thể mang lại lợi ích kinh doanh không ngờ nếu biết cách khai thác tiềm năng marketing từ họ.

Trước khi xuất hiện mạng xã hội, các thương hiệu đều phải trực tiếp khẳng định mình. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài đăng quảng bá về rất nhiều thương hiệu khác nhau trên mạng xã hội. Nhờ đó, người tiêu dùng thường không ngần ngại chia sẻ trải nghiệm của mình với sản phẩm, có 97% trong số người tiêu dùng đã đọc những bài phản hồi trên mạng. Tuy nhiên, lời phản hồi tích cực đến trực tiếp từ một khách hàng còn có giá trị hơn bất kỳ quảng cáo nào phải chi trả tiền cho việc đăng tải.

Các thương hiệu không thể ép buộc khách hàng nói tốt về họ trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng nếu thực hiện tốt 4 chiến thuật kinh doanh sau đây, việc mở rộng tiếp thị sẽ không còn là vấn đề quá khó khăn:

  1. Ưu tiên tính xác thực

Bản chất của tiếp thị vốn là “không xác thực”. Thương hiệu thì lúc nào cũng muốn ở chỗ “chói sáng và đẹp đẽ”. Các doanh nghiệp luôn cố gắng loại bỏ bất cứ chi tiết nào có thể làm xấu hình ảnh của thương hiệu và làm mọi thứ có thể để ve vãn, chinh phục người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có một sự thay đổi đang diễn ra. Rõ ràng là quyền lực của người tiêu dùng chưa bao giờ mạnh như trong thời đại hiện nay. Sự thật về các sản phẩm và dịch vụ dễ dàng lộ diện qua những thông tin được tìm kiếm trên Google hay các mẩu tin được phát đi trên mạng xã hội. Và sự thay đổi này khiến cho nhiều nhà tiếp thị nói nhiều đến nhu cầu “cần phải xác thực”.

Người tiêu dùng ngày nay cũng có nhu cầu được kết nối trực tiếp và thích đáng với nhu cầu cá nhân của họ. Điều đó có nghĩa là thương hiệu cần tăng cường cá nhân hóa. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao mức độ kết nối với các đối tượng khách hàng. Thương hiệu cũng không nên bỏ qua cơ hội tương tác thực với đối tượng mục tiêu tại các sự kiện, hội nghị, v.v…

  1. Hợp tác truyền thông với những người có sức ảnh hưởng

Theo nền tảng tiếp thị sử dụng sức ảnh hưởng có tên SocialPubli.com, 93% các nhà tiếp thị sử dụng chiến lược tiếp thị có ảnh hưởng. Trên thực tế, 6 trên tổng số 10 nhà tiếp thị đang tăng cường ngân sách cho việc hợp tác với những người nổi tiếng vào năm 2019. Khi một nhân vật nổi tiếng gợi ý một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định, những người hâm mộ nhân vật đó nhất định sẽ muốn liên hệ với sản phẩm được giới thiệu.

Người có sức ảnh hưởng đặc biệt hiệu quả trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như mỹ phẩm, nhưng hãy nhớ rằng không có người nổi tiếng nào có thể phù hợp với tất cả các sản phẩm. Tiềm năng của một người nổi tiếng dí dỏm, tinh tế sẽ có sự khác biệt so với của một người quyến rũ, sôi nổi – tất cả phụ thuộc vào việc tiếng nói của họ – những người có sức ảnh hưởng đối với công chúng – có phù hợp với tiếng nói mà thương hiệu muốn thể hiện hay không.

  1. Cung cấp những trải nghiệm

Khách hàng luôn ưu tiên sự trải nghiệm các sản phẩm. Thay vì tặng bút hoặc chai nước và hy vọng chúng được nhìn thấy xung quanh thị trấn, hãy cho khách hàng được trải nghiệm. Bởi không chỉ sản phẩm được đánh giá cao hơn mà chúng còn được chia sẻ nhiều hơn trên phương tiện truyền thông xã hội.

  1. Khuyến khích sự sẻ chia

Lời quảng bá có xuất sắc thế nào cũng vô dụng nếu nó không được nhìn thấy. Các thương hiệu có thể đưa ra những giải thưởng nhỏ – chẳng hạn như nếm thử sản phẩm, tham quan cơ sở hoặc cho vay dịch vụ – để khuyến khích người tiêu dùng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên phương tiện truyền thông xã hội.

Hãy cho người tiêu dùng biết rằng nội dung quảng bá họ tạo ra có giá trị như thế nào và khuyến khích trao thêm phần thưởng cho người dùng nếu bài đăng của họ có thể thu hút sự chú ý trên truyền thông trực tuyến.