Trong quá trình phát triển của Digital Marketing, hay như cách đây một thập kỉ – người ta vẫn gọi là Internet Marketing, Email Marketing là một trong những công cụ lâu đời nhất. Điểm qua ngày sinh của các “ông lớn” trong lĩnh vực Digital, Email Marketing xứng đáng được nhận chức danh bằng anh bằng chị so với Mạng Xã Hội Facebook, Quảng Cáo Từ Khoá Google, hay kênh video Youtube.
Cả Getresponse và Mailchimp – hai công cụ Email Marketing được sử dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay đều được sáng lập vào những năm đầu thế kỉ 21 – lần lượt vào năm 1999 và 2001. Trong khi đó, Google Adwords lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 10 năm 2000, Facebook chính thức trình làng năm 2004, và cuối cùng là người em út Youtube được đưa vào sử dụng năm 2005.
Ứng dụng trao đổi thông tin qua Email đã có hơn hai thập kỉ (vào những năm 1990s) và chỉ thật sự được nâng lên một tầm cao mới với Email Marketing một thập kỉ trở lại đây. Cũng chính bởi sự phát triển nhanh chóng mặt của Digital và tuổi thọ lâu đời của Email Marketing, rất nhiều những khái niệm và quan niệm cũ về Email Marketing được thay đổi để hợp với nhu cầu của thị trường – và nếu như một người làm Digital Marketing vẫn tin vào những điều sau đây, e rằng hiệu quả của những chiến dịch Email Marketing sẽ bị ảnh hưởng một cách đáng kể.
Bất kì Email quảng cáo nào cũng sẽ rơi vào thư mục “SPAM”
“SPAM” nói đơn giản là phương thức gửi thông điệp hay thông tin không có ích hay không đúng nhu cầu của người nhận. Hiện nay, nhằm tăng trải nghiệm người dùng và bảo vệ khách hàng trước những mối nguy hiểm từ hackers, các công cụ quản lý thông tin và dữ liệu Email như GMAIL hay OUTLOOK rất nhạy cảm và khắt khe đối với những email có nội dung “QUẢNG CÁO” và thường sẽ phân loại thẳng vào thư mục “SPAM”. Nhưng thực tế là KHÔNG PHẢI TẤT CẢ email quảng cáo đến từ các chiến dịch Email Marketing đều bị chuyển vào SPAM. Một phát minh đã ra đời nhằm tính toán khả năng một email bị liệt vào danh sách “spam” của công cụ quản lý Email – đó là “SPAM SCORE” – chỉ số SPAM – theo thang điểm từ 0 đến 10. Nếu tuân thủ đúng cách và đưa chỉ số SPAM xuống thấp nhất có thể (từ 0 – 2), những người làm Email Marketing hoàn toàn có thể yên tâm về việc hạ cánh an toàn của Email trong chiến dịch của mình.
Có rất nhiều người thắc mắc về việc “nên gửi bao nhiêu email một tuần/ một tháng là hợp lý?”. Hãy đặt mình là một khách hàng, bạn mong muốn nhận được bao nhiêu email một tuần, một tháng từ một doanh nghiệp?! Câu trả lời là – “Với cương vị là một khách hàng, BẠN KHÔNG QUAN TÂM”. Điều khách hàng thật sự quan tâm từ việc nhận email quảng cáo chính là Sản Phẩm, Dịch Vụ, Chiến Dịch Giảm Giá. Một chiến dịch Email Marketing với một mục tiêu bán hàng cụ thể có thể bao gồm 3, 5, hay thậm chí 10 email trong hai tuần – điều quan trọng nhất là thông điệp, cách truyền tải, nội dung của email phải có tính sáng tạo và đổi mới. Và phải chắc chắn rằng bạn phân tích và đánh giá sau mỗi chiến dịch Email của mình để tìm ra được chuỗi Email và nội dung hợp lý nhất.
Dùng Email Marketing không giúp tăng thêm khách hàng mới
Email Marketing trong bức tranh toàn cảnh của Digital Marketing là một công cụ được sử dụng chính trong giai đoạn chuyển hoá và thuyết phục một người “ƯA THÍCH” sản phẩm và dịch vụ trở thành một người “MUA HÀNG”. Về bản chất, Email Marketing nhắm vào những người đã biết về doanh nghiệp hoặc thương hiệu – nhưng điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn không thể giới thiệu mình với những khách hàng tiềm năng mới. Bạn đã bao giờ nhận được một email quảng cáo và chuyển tiếp nó cho một người bạn của mình? Hoặc thử sử dụng một chiến dịch Email Marketing kêu gọi “Giới thiệu thêm bạn bè, nhận thêm giảm giá?”. Đây chính là chìa khoá để doanh nghiệp có thêm khách hàng mới – sử dụng “LỜI KÊU GỌI” mang tính chia sẻ trong email của mình. Cũng tương tự như Social Media, Email Marketing cũng có tính lan truyền khá dễ – bằng việc chỉ cần chuyển tiếp nội dung email đó (nhưng tốc độ và độ ảnh hưởng sẽ không nhanh và lan toả như Social Media).
Điều quan trọng nhất là Email phải đi đến “INBOX” của người dùng
Không. Điều quan trọng nhất là tỉ lệ CLICK vào “Lời kêu gọi”. Nếu email gửi đi đến thẳng vào INBOX của khách hàng mà người dùng này không mở hoặc mở nhưng không click để thực hiện hành động mong muốn, thì mục tiêu của bạn vẫn chưa hoàn thành. Suy cho cùng, mục đích quan trọng nhất của Email Marketing – chính là “GIAO DỊCH” hoặc “ĐÍCH ĐẾN” mong muốn – mà người thực hiện hành động này, đến từ việc CLICK vào email quảng cáo.
Số lượng Email có được càng nhiều thì khả năng bán hàng càng cao
Có hai loại danh sách email.
Một là danh sách email tự xây dựng “INBOUND LIST” – đặc trưng của loại danh sách này là người dùng tự đăng ký nhận email từ doanh nghiệp và thông thường, nếu danh sách email tự xây dựng lớn, khả năng bạn chuyển đổi được doanh thu là cao hơn. Sở dĩ như vậy vì danh sách này phần lớn là những người thật sự yêu thích sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đa phần là những mong chờ nhận được sự ưu đãi giảm giá, thông tin sản phẩm mới nhất và nhanh nhất. Đây chính là DANH SÁCH KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG NHẤT của bạn.
Loại danh sách thứ hai là danh sách email có sẵn hoặc mua lại “OUTBOUND LIST” – đây thường là xuất phát điểm của nhiều doanh nghiệp khi bắt đầu làm Email Marketing – danh sách này bao gồm thông tin những người dùng hầu như KHÔNG HỀ biết đến bạn là ai – và điều hiển nhiên, bạn cũng không hề biết họ là ai. Chính vì thế, số lượng emails trong danh sách này càng nhiều, việc bạn chuyển đổi họ thành những người mua hàng càng khó – và chắc chắn một điều, là tỉ lệ chuyển đổi sẽ thấp hơn rất rất nhiều so với khi bạn sử dụng danh sách tự xây dựng.
Tóm lại, thay đổi sẽ luôn là một phần trong sự phát triển của Digital Marketing nói chung và Email Marketing nói riêng, nhưng điều quan trọng nhất luôn được nhấn mạnh và không bao giờ thay đổi, chính là bạn phải luôn tạo ra được giá trị cho khách hàng của mình. Và chìa khoá thành công của mọi chiến dịch Email Marketing ở mọi thời điểm được tóm gọn trong câu sau:
“Gửi Đúng Thông Điệp Đến Đúng Đối Tượng Khách Hàng”