10 bước xây dựng một spot quảng cáo TVC có sức mạnh khủng khiếp

Sau khoảng thời gian dài phát triển, ngày nay, TVC đã có những sự thay đổi đáng kinh ngạc. Rất nhiều đoạn phim quảng cáo truyền hình đã thu hút được người xem không phải bởi hình ảnh mà là âm nhạc hoặc những thông điệp ấn tượng, dễ nhớ. Đây chính là điểm nhấn làm cho sản phẩm được nhắc tới trong đoạn phim quảng cáo đi vào lòng người và có tính lan truyền rộng rãi, thậm chí nhiều thông điệp đã trở thành câu cửa miệng hoặc một trào lưu ngay cả khi đoạn quảng cáo đã ngừng phát sóng. Ví dụ như đoạn TVC của điện máy xanh với màu sắc trang phục để lại ấn tượng mạnh mẽ, kết hợp với đoạn nhạc bắt tai, giai điệu dễ nhớ. Đôi khi bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian để xây dựng một kịch bản hoàn hảo cho chỉ vài giây lên sóng…

TVC được coi là một chiến lược marketing khôn ngoan của doanh nghiệp giúp quảng bá sản phẩm của mình đến công chúng. Trước hết, doanh nghiệp cần nắm rõ TVC là gì? Sau đó có chiến lược cụ thể để có được những quảng cáo độc đáo nhất. Thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi thì các thương hiệu dần phải thích nghi, có các kênh để khai thác triệt để đưa nội dung quảng cáo của mình “tấn công” tâm trí của khách hàng.

TVC là gì?

TVC – Television Commercial là từ dùng để chỉ cho các hình thức quảng cáo trên Tivi. Phương thức quảng cáo TVC đã được sử dụng trong chiến lược Marketing truyền thông từ lâu, như một kênh truyền thông nhằm phân phối các thông điệp khác nhau tới đối tượng khách mục tiêu của doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận rằng, TVC là hình thức quảng cáo rất tốn kém. Nhưng bù lại, nó đem lại một sự tin tưởng rất lớn từ khách hàng bởi quan niệm rằng, những doanh nghiệp có khả năng quảng cáo trên Tivi – các kênh chính thống hẳn sẽ rất uy tín và chuyên nghiệp.

Những rào cản hiện hữu trong kỷ nguyên Digital

Trước khi chúng ta đi sâu vào tìm hiểu những bước xây dựng có thể giúp TVC của doanh nghiệp bạn trở nên hấp dẫn hơn, bạn cần phải trang bị cho mình những phương án đối phó với các rào cản có thể khiến chiến dịch marketing mới của doanh nghiệp gặp thất bại.

  1. Công nghệ skip quảng cáo: Trước sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị ghi chương trình truyền hình, ngày càng nhiều người sử dụng chức năng tua nhanh khi chương trình truyền hình bị gián đoạn bởi vài phút quảng cáo.

Ngay cả khi doanh nghiệp bạn bỏ hàng trăm triệu đồng để đảm bảo một spot quảng cáo vững chắc vào giờ vàng, không có gì đảm bảo quảng cáo của bạn sẽ đến được tới hàng triệu khách hàng triển vọng ngoài kia.

Những rào cản của TVC hiện tại:

  1. Quá nhiều thứ làm phân tâm khách hàng: Trước sự nở rộ của smartphone, tablets, thiết bị cầm tay thông minh,… có quá nhiều yếu tố có thể khiến khách hàng không tập trung vào những TVC trên truyền hình. Quảng cáo của bạn có thể tiếp cận tới hàng triệu người, nhưng có thể chỉ 1% trong đó là thực sự theo dõi quảng cáo của bạn.
  2. Tâm lý “phòng ngừa” quảng cáo: Mọi người thường có tâm lý “phòng ngừa” với tất tần tật các thể loại quảng cáo. Người ta hàng ngày đã bị bủa vây trước hàng chục, hàng trăm loại quảng cáo thuộc đủ các sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Rồi quảng cáo lại càng làm phá hỏng, vụn vỡ các chương trình yêu thích của họ nữa.

Liệu khách hàng có sẵn lòng nán lại vài phút chỉ để xem 30 – 60 giây thước phim giới thiệu về thương hiệu của bạn? Hay ngay lập tức chuyển kênh mà không một chút hối tiếc nào?

Làm thế nào để khách hàng chú ý vào quảng cáo của bạn? Làm thế nào để họ không chuyển kênh và không bị phân tâm bởi các phương tiện giải trí khác? Làm cách nào để bạn vẫn truyền tải được thông điệp mà không khiến khách hàng khó chịu? Những câu hỏi này nên được cân nhắc trong bản kế hoạch xây dựng chiến dịch marketing – truyền thông qua TVC.

10 bước để xây dựng một spot quảng cáo TVC hiệu quả.

Dưới đây là 10 bước cơ bản giúp bạn thiết lập được một chiến lược TVC tốt:

  1. Ý tưởng lớn – big idea của bạn là gì?

Quảng cáo trên TV có thể rất đắt đỏ. Từ việc mua lại một khung giờ cố định để giới thiệu sản phẩm, cho đến việc mua 1 spot quảng cáo vào khung giờ vàng, nó đều tiêu tốn một khoản ngân sách khá là lớn trong quỹ hầu bao của doanh nghiệp cho Marketing. Vậy, ý tưởng lớn mà khách hàng ngóng trông từ sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp bạn là gì?

Hãy nhìn lại những spot quảng cáo đã làm mưa làm gió tại Việt Nam thời gian qua. Như Tiki chẳng hạn, chỉ cần qua một spot quảng cáo trong mùa Tết, với câu khẩu hiệu được Trường Giang nhắc đi nhắc lại: “Trời ơi tin được hông”, đã nhấn mạnh tới yếu tố các mặt hàng trên trang được giảm đến 91% trong dịp này.

Dân mạng ngay lập tức sần sần rộn rã với câu khẩu hiệu cửa miệng của danh hài trong quảng cáo. Lượt view của quảng cáo trên YouTube của Tiki đã lên đến 1,5 triệu lượt (tính đến tháng 5/2019). Còn hiện vẫn chưa có con số thống kê trên các kênh truyền hình chính.Không có lý do gì mà doanh nghiệp của bạn không tạo ra hiệu ứng viral từ những spot quảng cáo có ý tưởng sáng tạo cả. Hãy làm điều gì đó thật vĩ đại, và khách hàng sẽ chú ý tới bạn ngay lập tức.

  1. Kịch bản quảng cáo TVC phải tốt

Khi đã có ý tưởng hay, bạn phải viết kịch bản thật là ấn tượng cho TVC. Tất nhiên, bạn không cần phải là người viết kịch bản tài ba để làm điều đó một cách thành công. Bạn cần đặc biệt quan tâm tới việc làm sao để truyền tải thông điệp mà doanh nghiệp muốn gửi gắm thông qua spot quảng cáo đó, từ tông màu, tiết tấu, và ý nghĩa của câu chuyện.

Nên nhớ, bạn chỉ có một khoảng thời gian cực kỳ ngắn để truyền đạt rõ ràng thông điệp mình muốn gửi gắm. Đừng khiến câu chuyện của bạn trở nên dài dòng và rắc rối. Hãy khiến nó ngắn gọn, xúc tích và rõ ràng.

Bạn cần phải thể hiện rõ doanh nghiệp của mình đang quảng cáo về cái gì, ngay cả khi khách hàng của bạn đang ở phòng kế bên và không thể xem trực tiếp TVC của bạn trên TV. Và bạn cũng cần lưu ý giới hạn thời gian của TVC. Thời gian quảng cáo sẽ phải rơi vào khoảng từ 30 giây đến 2 phút (tùy thuộc vào khung giờ và số tiền bạn bỏ ra cho các đài truyền hình).

Tóm lại, chú ý khoảng thời gian hữu hạn, tần suất quảng bá về sản phẩm của mình, và xây dựng nội dung quảng cáo ngắn gọn, xúc tích và rõ ràng.

  1. Liệu có nên nhấn mạnh khía cạnh con người trong quảng cáo?

Có rất nhiều những nội dung quảng cáo ấn tượng mà không cần tới sự xuất hiện của con người (ví dụ như TVC quảng cáo sữa bò của Vinamilk, hay spot “Có gì hot” của Beeline). Nhưng cũng vì vậy mà doanh nghiệp bạn đừng đánh giá thấp sức mạnh của hình ảnh con người trong các spot quảng cáo.

Để đảm bảo TVC trở nên thực sự chuyên nghiệp và thu hút nhiều sự chú ý, doanh nghiệp bạn nên cân nhắc sử dụng diễn viên chuyên nghiệp, hoặc người nổi tiếng có diễn xuất tốt tham gia đóng quảng cáo.

  1. Thuê các Agency quảng cáo TVC chuyên nghiệp

Bạn muốn sản phẩm TVC của mình trở nên chuyên nghiệp? Hãy thuê một Agency chuyên sản xuất các TVC và để họ thực hiện công việc giúp bạn. Họ có khả năng bao quát toàn bộ các giai đoạn tiền hậu kỳ của quảng cáo, từ viết kịch bản, quay và dựng phim.

Doanh nghiệp bạn nên khảo giá trước khi lựa chọn công ty sản xuất đối tác. Tất nhiên là tiền nào của đấy, nhưng hãy cân nhắc tất cả các khía cạnh để phù hợp nhất với nguồn lực mà doanh nghiệp bạn hiện đang có.

  1. Lên kế hoạch cho từng phân cảnh

Sau khi có được kịch bản quảng cáo, nắm rõ những diễn viên tham gia quảng cáo, và tất tần tật những khía cạnh có liên quan, bạn bắt đầu những công đoạn đầu tiên trong việc quay và dựng spot quảng cáo.

Để mọi việc trở nên trơn tru, hãy lên toàn bộ những kế hoạch có thể có trong quá trình quay phim và dựng phim. Chẳng hạn như, trong quảng cáo của bạn phải có 10 phân cảnh, 8 cảnh dựng trong phòng khách, và 6 cảnh dựng trong phòng ngủ.

Vì thời gian quảng cáo có hạn, nên trong quá trình quay phim, bạn hoàn toàn có quyết định cắt bớt những phân cảnh rườm rà, hoặc theo bạn là không cần thiết để xuất hiện.

  1. Âm thanh và hình ảnh phải khớp nhau

Trong quá trình dựng phim, bạn phải đảm bảo hình ảnh và âm thanh trong spot quảng cáo phải trùng khớp nhau.

Chắc chắn khán giả sẽ chẳng hài lòng một chút nào nếu hình ảnh của một chiếc xe thì đang xuất hiện chình ình trên màn hình TV, mà chẳng nghe thấy một âm thanh động cơ hay tiếng rít ga nào cả.

  1. Tuân thủ thời gian hữu hạn

Nếu doanh nghiệp của bạn đã mua spot 30 giây quảng cáo TVC trên đài truyền hình, thì spot quảng cáo bạn đang quay và dựng phải có thời lượng 30 giây, không có ngoại lệ.

Chính vì thế, tất cả những gì quan trọng nhất, nổi bật nhất của TVC phải được truyền tải đầy đủ và rõ ràng nhất trong quỹ thời lượng hạn hẹp này.

  1. Sử dụng CTA trong spot quảng cáo

Với kinh phí và nguồn lực có hạn, có lẽ hẳn bạn chưa thể xây dựng một clip quảng cáo TVC thuần mục đích về tăng nhận diện thương hiệu, mà nó đồng thời phải giúp doanh nghiệp có khả năng gia tăng doanh thu nữa. Chính vì vậy, bạn phải có chiến lược cho riêng mình. Chiến lược ấy chính là sử dụng những CTA – lời kêu gọi hành động một cách hiệu quả.

CTA ở đây có thể là lời kêu gọi khách hàng ngay lập tức gọi tới số điện thoại A B C để sử dụng dịch vụ hoặc nghe tư vấn từ tổng đài viên chăm sóc để tìm hiểu thêm thông tin. Hoặc CTA cũng có thể là kêu gọi khách hàng đến siêu thị A B C để rước ngay sản phẩm về nhà vì đang có chương trình khuyến mãi.

Lưu ý, CTA phải ngắn gọn, truyền tải đầy đủ thông điệp nhanh nhất, dễ nhớ nhất để khách hàng có các dữ liệu và đưa ra các hành động tiếp theo như: sử dụng dịch vụ / sản phẩm của doanh nghiệp bạn (số điện thoại, địa chỉ, website,…).

  1. Lựa chọn khung giờ phát sóng TVC hợp lý

Thời gian quảng cáo được phát sóng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp cận và thu hút sự chú ý của khách hàng. Một spot quảng cáo lúc 3h sáng nhiều khả năng sẽ chỉ giúp bạn đốt ngân sách marketing của doanh nghiệp một cách nhanh hơn mà chẳng thu được lợi ích nào đáng kể.

Bạn cũng đừng quên lựa chọn kênh truyền hình phù hợp để phát sóng quảng cáo của doanh nghiệp bạn nữa nhé. Quảng cáo nhạy cảm trên các kênh trẻ em vừa tạo sự phản cảm, lại vừa không giúp doanh nghiệp tiếp cận được chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. (và chắc chắn không được xét duyệt đâu)

  1. Duy trì tần suất phát sóng TVC ổn định

Doanh nghiệp bạn cần đảm bảo tần suất phát sóng spot quảng cáo TVC có sự ổn định, có thể tối đa hóa việc tiếp cận tới đối tượng khách hàng mục tiêu, và phù hợp với khoản ngân sách mà doanh nghiệp đã chi ra đối với các đài truyền hình đối tác.

Để bổ trợ cho TVC, doanh nghiệp bạn cần xây dựng các công cụ hỗ trợ, như landing page, website, tờ rơi, tổng đài chăm sóc khách hàng, để sẵn sàng tiếp nhận khách hàng sau khi họ theo dõi quảng cáo của doanh nghiệp trên TV.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu được về TVC – Television Commercial, một phương thức marketing quảng cáo truyền thông.