4 văn phong nào cho nội dung Online

nội dung Online

– “Văn phong” là lối viết riêng của mỗi người – theo Wiktionary.
– “Văn phong” có nghĩa là phong cách riêng biệt,giọng vă đặc trưng của tác giả được thể hiện sâu sắc trong chính bài viết của mình. Văn phong còn có thể hiểu ngắn gọn là phong cách viết văn – Theo Từ điển .com

Thống kê từ MonitoringBlog thì cứ mỗi ngày trên thế giới có khoảng 35 triệu người dùng cập nhật trạng thái của mình trên Facebook. Mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 800.000 bài viết phục vụ Marketing, quảng cáo của các thương hiệu thông qua Facebook.

Làm sao để bài viết, trạng thái đó lôi cuốn người đọc, lôi cuốn fan của mình thì đòi hỏi các Copywriter không chỉ mang đến cho người đọc những nội dung hữu ích, ý nghĩa mà “văn phong” của người viết, của thương hiệu phải thực sự phù hợp, gần gũi và tôn trọng người đọc. Người đọc có thể nhận biết thương hiệu, nhãn hàng thông qua văn phong sử dụng trong bài viết.

Một bài viết marketing hay một bài viết phục vụ quảng cáo thì điều quan trọng nhất là mang tới một thông điệp của thương hiệu, nhãn hàng đáng tin cậy cho người đọc. Đối với bài viết phục vụ thương hiệu thì cần cho người đọc yêu thương hiệu hơn, đặt trọn niềm tin vào thương hiệu đó. Họ sẽ “Action” với thương hiệu đó khi đứng trước kệ hàng. Còn đối với bài viết phục vụ bán hàng thì phải khiến cho người đọc “Action” ngay lập tức. Tất cả điều đó phụ thuộc vào “văn phong” mà bạn sử dụng trong bài viết.

Vậy “văn phong” nào cho nội dung online?

Thoạt tiên sau khi xác định được đối tượng đọc mục tiêu (Hiểu về sở thích, mong muốn của họ), rõ ràng về mục tiêu của bài viết thì người viết cần quan tâm tới lựa chọn “văn phong” trong bài viết.

1. Văn phong chuyên gia

  • “Văn phong” đó có thể là dạng của một chuyên gia, người uyên bác (expert) nếu thương hiệu, nhãn hàng đó hướng tới người đọc cần sự tin tưởng, cần một sự rõ ràng. Với dạng này thì đòi hỏi người viết cần có chuyên môn thật sự, cần có con số, biểu đồ, sự logic chính xác trong bài viết. Văn phong này thường ứng dụng trong các bài viết thương hiệu, phù hợp với các sản phẩm như ngành Dược phẩm, Thẩm mỹ, Mỹ phẩm, Các khóa học kỹ năng, chuyên sâu.
  • Với dạng “văn phong” này tôi cực kỳ thích với các bài viết của anh Nguyễn Đức Sơn – Giám đốc điều hành của RMA & Chủ tịch học viện Thương hiệu Plato. Văn phong anh sử dụng trong các nội dung thể hiện rõ tới người đọc một sự sâu sắc, uyên thâm về chuyên môn. Bởi lẽ đó mà các bài viết của anh nhanh chóng đạt được lượng view, like & share rất cao chỉ trong thời gian ngắn.

2. Văn phong hài hước

  • “Văn phong” hài hước, dí dỏm, tếu táo, dễ nhớ – phù hợp với các bài viết quảng cáo được phát ra bởi các KOLs như: diễn viên hài Chí Trung viết cho sản phẩm bơm điện oto ABC, hoặc như Sơn Tùng MTP viết cho trà xanh không độ của Tân HIệp Phát…nó có thể được ứng dụng cho các bài viết Marketing của các thương hiệu, nhãn hàng với tính cách thương hiệu vui tươi, dí dỏm như các bài viết của Điện máy xanh.
  • Hoặc có thể bài viết hướng tới đối tượng vui tươi, trẻ trung như các bài viết, live stream, video content với văn phong được coi là rất đời, dí dỏm của anh Phạm Dương Châu, CEO của tiengtrung.vn cho sản phẩm là các khóa học Tiếng Trung của anh.

3. Văn phong người quen

  • “Văn phong” dạng gần gũi như của người quen, người thân. Điển hình cho các bài viết này là các sản phẩm của các bà mẹ bỉm sữa. Văn phong như chia sẻ kiến thức với người đọc, cho người đọc thấy họ trong bài viết và liên tưởng đến sản phẩm.
  • Dạng này cực phù hợp với các sản phẩm của các bà mẹ bỉm sữa, các sản phẩm sử dụng trong gia đình có giá thấp, tính quyết định cao. Ví dụ của văn phong này chắc chúng ta gặp rất nhiều. Đỗ Minh Hương – Một người bạn của tôi ứng dụng “văn phong” này cũng chốt vài trăm đơn hàng mỗi ngày cho nghề tay trái của mình.

4. Văn phong báo chí

  • Một dạng cao cấp hơn đó là “văn phong” báo chí hay trong CopyWriting gọi là “editorial”. Với văn phong này đòi hỏi người viết phải có kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, có góc nhìn tổng quát cho đến chi tiết. Việc lồng ghép thương hiệu đòi hỏi phải tinh tế, tế nhị.
  • Người đọc mục tiêu hay khách hàng mục tiêu thích văn phong này là những người rất khó tính & có hiểu biết. Tôi thương xuyên đọc các dạng này trên các tạp chí online như Vnexpress, CafeF, Thương hiệu & Doanh nghiệp…

Còn rất nhiều dạng “văn phong” khác có thể sử dụng trong các bài viết, nội dung online.Lựa chọn “văn phong” nào không phải để thể hiện tư duy hay trình độ của người viết mà là sự phù hợp, sự thu hút của nội dung cho người đọc, truyền tải được thông điệp của thương hiệu, nhãn hàng tới người đọc (người tiêu dùng). Và đặc biệt quan trọng “văn phong” đó phải thật tự nhiên.

Bài viết bởi Hoàng Dũng, CEO of ColorMedia.,JSC.